Tỷ giá VND/USD tăng cao không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam

Chủ nhật, 08/07/2018, 08:05 AM

Với sự can thiệp kịp thời của NHNN vào thị trường ngoại hối, không nên quá lo lắng khi tỷ giá tăng lên.

Trong 2 tuần qua, tỷ giá USD và VND tăng khá mạnh, một phần do USD tăng giá trên thị trường thế giới, một phần khác do đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD, cộng với đó là sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ, nguồn lực để giữ ổn định tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ, nguồn lực để giữ ổn định tỷ giá.

Việc tỷ giá USD và VND tăng cao về cơ bản không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, do nền sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khoảng 60% trong tổng nhập khẩu là nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc thiết bị trên 30%, nhập khẩu tiêu dùng chỉ khoảng 7-8%. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam phần lớn là nền kinh tế gia công, sản phẩm phụ trợ phát triển còn yếu, hàm lượng giá trị tăng thêm trong hàng xuất khẩu không cao. 

VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.

Ngoài ra, trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP của Việt Nam gần như không biến động. Nếu tỷ giá USD và VND không được kiểm soát có thể khiến người gửi tiền tiết kiệm hoang mang. Khi người dân rút tiền gửi tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiền tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ, khi đó sẽ kéo theo sự suy trầm của nền kinh tế.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 có xu hướng tăng khá cao, việc VND mất giá so với USD có thể  khiến chỉ số giá tiêu dùng khó kiểm soát.

Khi tỷ giá tăng, NHNN đã có động thái can thiệp kịp thời. Cụ thể, đơn vị này đã giảm mạnh giá bán USD ra thị trường, mức giảm 244 đồng tương đương 1% về 23.050 đồng. Mức giá đó thấp hơn 264 đồng so với mức trần của tỷ giá trung tâm.

Sự can thiệp của NHNN bằng cách hạ giá bán USD đã được thực hiện nhiều lần trong quá khứ mỗi khi tỷ giá căng thẳng. Động thái này phát huy hiệu quả khi chỉ vài ngày sau đó thị trường ngoại hối ổn định trở lại. Cách điều hành chích sách tiền tệ này là thỏa đáng nhưng cũng cần theo dõi sát diễn biến tiếp theo.

Tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 2/7 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay đã mua vào 11 tỷ USD và dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên 63,5 tỷ USD. NHNN có đủ công cụ, nguồn lực để can thiệp giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, không nên có tâm lý quá lo lắng về tỷ giá.

TS. Bùi Trinh

Theo VOV

largeer