Ước vọng “siêu kỳ lân” của Indonesia

Thứ hai, 02/12/2019, 10:20 AM

Sau khi bổ nhiệm cựu CEO GoJek làm Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, tuần rồi Tổng thống Joko Widodo đã đưa thêm nhiều nhân tài ngành công nghệ và truyền thông tham gia các vai trò trong nội các chính phủ Indonesia. Nội các mới này thể hiện tham vọng đưa nền kinh tế của Indonesia vào giai đoạn mới, trong đó vai trò của các startup công nghệ siêu kỳ lân có giá trị trên 10 tỷ USD, đặc biệt là GoJek!

Tổng thống Joko Widodo và CEO Nadiem Makarim tham dự lễ khai trương dịch vụ Go-Viet tại thị trường Viêt Nam tháng 9/2018 ở Hà Nội. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Joko Widodo và CEO Nadiem Makarim tham dự lễ khai trương dịch vụ Go-Viet tại thị trường Viêt Nam tháng 9/2018 ở Hà Nội. (Ảnh: CNN)

Sự tham chính của chủ báo...

Erick Thohir, người điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống vừa rồi của ông Widodo, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước. Ông Thohir cũng là người sáng lập Mahaka Group vốn sở hữu nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và một tờ báo.

Tân Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo được giao cho Wishnutama Kusubandio, đồng sáng lập kênh truyền hình NET. Người phó của ông này là cô Angela Tanosoedibjo, 32 tuổi là con gái của tỷ phú Hary Tanoesoedibjo - vốn có quan hệ kinh doanh mật thiết với Tổng thống Donald Trump và là nhà sáng lập Tập đoàn MNC Group điều hành nhiều kênh truyền hình.

Hai nhân vật trong ban cố vấn mới gồm 7 thành viên cũng gây chú ý. Một là con gái của Chủ tịch Tập đoàn CT Corp sở hữu nhiều kênh truyền hình và báo điện tử. Một là chủ tịch của một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Widodo và là chủ của Tập đoàn Media Group điều hành kênh truyền hình Metro TV và nhiều tờ báo địa phương.

Sự hiện diện của quá nhiều các nhân vật chủ chốt trong làng báo và truyền thông đã khiến Tổng thống Widodo bị chỉ trích là cố gắng kiểm soát báo chí hay lôi kéo thân hữu, hạn chế bớt những tiếng nói khác với chính quyền. Tuy nhiên, cái chính vẫn là điều hành kinh tế. “Những vấn đề chính phủ đang đương đầu không phải dễ dàng, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế với nhiều quyết định sai lầm đã được đưa ra trong quá khứ” - Ubaidillah Badrun, giáo sư chính trị học tại Đại học Jakarta State University nhận định.

... và giới công nghệ

Có thể thấy rõ định hướng kinh tế công nghệ của chính phủ Indonesia. Ban cố vấn mới của chính phủ gồm các nhân vật ở tuổi 23-36, trong đó có hai nhà sáng lập startup công nghệ.

Đó là Belva Devara, nhà sáng lập đồng thời là CEO của startup công nghệ giáo dục Ruangguru và Andi Taufan, nhà sáng lập đồng thời là CEO của ứng dụng cho vay Amartha sẽ gia nhập ban cố vấn chính phủ gồm 7 thành viên.

Khác với nhà sáng lập GoJek, cả Devara và Taufan không phải từ chức nhưng vẫn tham gia vai trò tư vấn cho chính phủ.

Trong bài phát biểu hôm 24/11, Tổng thống Widodo nói các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ sẽ là “những người đối thoại mang những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo có thể giúp chính phủ đưa kinh tế quốc gia đi lên”. Tổng thống cũng mong rằng doanh nhân trẻ sẽ thúc đẩy và phát triển các mối quan hệ với thanh niên và với thế giới.

Với việc bổ nhiệm nội các và ban tư vấn cùng các thành viên các startup có tương lai phát triển sáng lạng, ông Widodo không hề giấu giếm tham vọng biến Indonesia thành một quốc gia khởi nghiệp tiên tiến hàng đầu ở Đông Nam Á, với khung pháp lý vững chắc và sự hậu thuẫn không mệt mỏi của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Tham vọng của cựu CEO GoJek

Các nhà sáng lập startup lộ rõ khát khao và tham vọng chính trị của họ khi tham gia nội các của ông Widodo. Rõ hơn cả là Nadiem Makarim - cựu CEO GoJek.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng thống Widodo, nhà sáng lập GoJek đã tháp tùng và có mặt trong mọi hoạt động chính của ông Widodo. Đầu năm 2019, ông Widodo cũng có mặt tại một sự kiện chính của GoJek ở Jakarta và không tiếc lời ca ngợi decacorn (kỳ lân có giá trị vượt 10 tỷ USD) đầu tiên của Indonesia. Trong lễ khai trương tuyến metro đầu tiên của thủ đô Jakarta, ông Widodo đã mời Makarim tham dự.

Các nhà phân tích nói cho đến giờ vẫn chưa rõ động cơ của Makarim. Có người nói ông nhắm đến việc tiến xa hơn trên con đường chính trị - tức tham gia ứng cử tổng thống. “Sứ mệnh của tôi ở GoJek là giới thiệu Indonesia với thế giới. Vì thế, vị trí mới là sự tiếp tục của sứ mệnh ấy, nhưng giờ đây là cả đất nước ở phạm vi rộng lớn hơn” - Makarim phát biểu khi nhận vị trí bộ trưởng giáo dục.

“GoJek đạt sự thăng tiến là nhờ tài năng, và nếu Indonesia tiếp tục sản sinh tài năng chất lượng cao, hệ thống giáo dục phải có sự chuyển biến. Đó là lý do tại sao tôi nhận trọng trách này và tôi biết tôi sẽ phải làm gì” - Makarim gửi email cho nhân viên khi rời GoJek.

Nhưng sự nghiệp chính trị của Makarim là con đường dài và nó luôn cần sự hậu thuẫn ít nhất trong suốt nhiệm kỳ hai của Tổng thống Widodo và cả các tổng thống kế nhiệm.

Bảng xếp hạng startup kỳ lân ở Đông Nam Á. (Graphics: Asean Post / Báo Người Tiêu Dùng)

Bảng xếp hạng startup kỳ lân ở Đông Nam Á. (Graphics: Asean Post / Báo Người Tiêu Dùng)

Siêu kỳ lân Indonesia gặp khó

Indonesia hiện có 4 startup kỳ lân - công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD, gồm: Hãng xe công nghệ GoJek, hai sàn thương mại điện tử Tokopedia và Bukalapak và trang du lịch Traveloka. Các kỳ lân của Indonesia đang phải đối chọi với các đối thủ trong cùng ngành từ các nước như Singapore, Philippines và Việt Nam.

Trên thực tế, các con kỳ lân Đông Nam Á muốn trở nên to lớn hơn nữa, trở thành siêu kỳ lân thì phải thật sự là “Silicon Valley” thu nhỏ và buộc phải “nuốt chửng”hay mua lại các startup nhỏ hơn và buộc phải đi đúng hướng. Theo phân tích của Accenture, 64% dân số Đông Nam Á trong năm 2010 ở độ tuổi dưới 40, hình thành lực lượng lao động trẻ, có học thức và đam mê công nghệ. Cơ cấu dân số này thích hợp cho bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) trong giai đoạn 2010-2020.

Sự ra đi của Makarim cũng tạo khó khăn cho GoJek bởi cựu sinh viên Harvard 35 tuổi này được xem là người đem lại lợi nhuận chính của hãng gọi xe Indonesia và chất kết dính các dịch vụ của hãng này.

Ngay cả trên sân nhà của GoJek ở Indonesia, Grab chiếm đến 64% mảng gọi xe ở Indonesia cho dù cựu CEO Makarim đã nói giảm tỷ lệ này xuống còn 25%. Ở mảng thanh toán điện tử, Grab đang thể hiện sức mạnh của mình khi ví điện tử Ovo mà Grab có cổ phần trong đó chiếm 37% giá trị của thị trường thanh toán điện tử ở Indonesia. Oo cũng đang chuẩn bị kế hoạch thâu tóm ví điện tử Dana giúp thị phần của hãng tăng thêm 10%. Trong khi đó, thị phần của mảng thanh toán GoPay chỉ chiếm 17% khối lượng giao dịch.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer