Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã: Những cái chết trong thinh lặng của loài thú quý hiếm

Thứ ba, 24/09/2019, 10:04 AM

Bị tấn công, cưa sừng, xẻo thịt... đã khiến các loài động vật hoang dã (ĐVHD) chết một cách bất ngờ và lặng lẽ như vậy. Sau đó những phần sản phẩm hoang dã này được đưa đi tiêu thụ nhằm phục vụ niềm tin mù quáng có thể chữa bách bệnh, trừ mọi loại tà ma hay chỉ để thể hiện “đẳng cấp” của một số người. Chính hành động man rợ này đã khiến nhiều loài ĐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống trên trái đất.

Thống kê vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam. (Nguồn PanNature).

Thống kê vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam. (Nguồn PanNature).

Từ niềm tin mù quáng

“Chỉ cần mài một chút sừng tê giác thành bột pha với nước uống, người đang hấp hối cũng khỏe lại, uống liên tục thì ung thư dần tiêu tan. Thậm chí, bột sừng tê còn có thể giải rượu một cách nhanh chóng. Vì vậy giá sừng tê rất đắt, một miếng nhỏ hơn ngón tay cái cũng đã tiền triệu rồi” - chị Thanh Hiền (40 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hào hứng chia sẻ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tính xác thực của thông tin trên thì chị Thanh lúng túng bao biện “Sừng tê đã chữa bách bệnh từ đời ông bà và được truyền tai nhau đến bây giờ nên chắc là hiệu quả”.

Vì tin những lời đồn thổi thiếu căn cứ mà không ít người dân vùng nông thôn đã “bóp bụng” chi trả hàng triệu đồng để mua vài lạng sừng tê giác trôi nổi trên thị trường về trữ trong nhà để tự điều trị bệnh. Rồi sau nhiều năm mài sừng uống mà căn bệnh vẫn ngày càng trầm trọng, đến khi tuyệt vọng với loại “thần dược” này thì mới tìm đến bệnh viện thì đã quá muộn.

“Tôi nghe người ta mách nước là uống sừng tê sẽ trị được ung thư nên đã tích cóp gần chục triệu đồng để tìm mua từ một người lạ bên Campuchia đưa về, vì vợ tôi bị ung thư vú. Tôi mài cho vợ uống gần cả năm nay vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đến khi bệnh tình trở nặng, bệnh viện tỉnh chuyển lên đây thì bác sĩ chẩn đoán ung thư đã giai đoạn cuối. Nếu biết sớm uống sừng tê giác không có kết quả thì tôi đã không làm vậy” - ông Tư Bên (62 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) thẫn thờ nói.

Tại các hội thảo về phòng, chống ung thư, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ung thư Việt Nam khẳng định, sừng tê giác được cấu tạo phần lớn từ keratin, loại chất được tìm thấy trong tóc và móng của con người. Vì vậy, uống sừng tê cũng như uống tóc và móng của chính bản thân mình. Nếu sử dụng trong thời gian dài, đến khi ung thư phát bệnh nặng thì rất khó điều trị, khiến thời gian sống kéo ngắn lại và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Nhiều đối tượng còn tận dụng mạng xã hội Facebook bày bán đủ loại sản phẩm từ ĐVHD.

Nhiều đối tượng còn tận dụng mạng xã hội Facebook bày bán đủ loại sản phẩm từ ĐVHD.

Đến thú vui tàn nhẫn

Bên cạnh niềm tin sử dụng sản phẩm ĐVHD để chữa bách bệnh, không ít người còn săn lùng ráo riết các tiêu bản ĐVHD để thể hiện quyền lực và giàu có!. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu một cặp ngà voi hay chiếc sừng tê giác đã được chế tác thành phẩm. Có thề những người này hiểu giá trị thật sự của các mảnh sừng không thể chữa được bất cứ bệnh tật gì, nhưng lại sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để trưng bày những tiêu bản vô tri từ ĐVHD trong lồng kính với mong muốn cho người khác thấy “đẳng cấp”, “uy quyền” của bản thân!

Chính thú vui tàn nhẫn này đã góp phần tiêu diệt voi, tê giác và nhiều loài ĐVHD có sừng khác trên thế giới. Họ đã gián tiếp đẩy những loài động vật này đứng trước bờ vực tuyệt chủng và không còn đất sống. Hàng trăm con tê giác nằm lại rừng sâu khi bị cắt sừng, mất máu cho đến chết mỗi năm. Hàng ngàn con voi không kịp gào tiếng thét cuối cùng khi bị thợ săn bắn thuốc mê, giết chết để chiếm đoạt những chiếc ngà to và dài. Những con linh dương sừng kiếm gần như tuyệt chủng vì nạn săn bắn trái phép để lấy sừng và da trong suốt thời gian qua.

Ngoài ra, không ít người còn tìm mua các sản phẩm hoang dã được chế tác thành phẩm dùng làm trang sức. Ngày nay, lợi dụng sự phát triển của internet, “thượng đế” có thể dễ dàng tìm thấy những sản phẩm này tại các quầy, hàng trên “thế giới ảo”. Chỉ cần dùng cụm từ “mua trang sức ngà voi” tìm kiếm trên Google thì có đến 4.160.000 kết quả trong tích tắc. Thậm chí, có nhiều trang web có lượng người xem lớn như: Tiki, Sendo… vẫn rao bán công khai, cố tình “ngó lơ” quy định của pháp luật!.

Trên mạng xã hội có lượng người dùng “khủng” tại Việt Nam - Facebook cũng có nhiều trang Facebook tích cực đăng các sản phẩm làm từ ngà voi với nhiều mẫu mã, chủng loại, giá cả để đáp ứng đủ mọi yêu cầu của “thượng đế”.

Không riêng gì Việt Nam, những quốc gia khu vực sông Mekong đã không thể kiểm soát hết thị trường buôn bán ĐVHD. Bởi lẽ, do dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD và mang đến một nguồn thu nhập cao cho những đối tượng làm giàu ngoài pháp luật đã góp phần kích thích nhóm tội phạm săn bắn, buôn bán trái phép loại hàng này.

Theo Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (Tổ chức WCS), trong giai đoạn 2013-2017, tại Việt Nam có đến 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Trong đó, có đến hơn 41 ngàn kg cá thể và các sản phẩm ĐVHD bị xử lý, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, 432 bị cáo bị đưa ra xét xử, tổng số tiền phạt khoảng 16 tỷ đồng.

“Khoe” được ăn loài vật “cấm” trong mê muội

Khoảng 21h đêm 11/9/2019, chúng tôi phát hiện một nick facebook có tên Ami Trần đăng tải một loạt hình ảnh về món ăn đã chế biến sẵn từ con tê tê cùng dòng trạng thái “Đố mọi người biết đây con gì?”. Dòng chia sẻ đã thu hút nhiều lượt quan tâm. Không ít người đã nhận ra đây là con tê tê (còn gọi là trúc) và được chủ nhân của dòng chia sẻ trên xác nhận, khẳng định tê tê còn làm thuốc hen suyễn hiệu quả. Điều đáng nói, có một nick facebook cho biết đây là loài động vật nằm trong Sách Đỏ cần được bảo tồn, cấm khai thác sử dụng dưới mọi hình thức. Nhưng, chủ nick Ami Trần này vẫn thản nhiên cho rằng “ở trong nhà hàng bán mắc lắm”!

SƯƠNG MAI

Theo NTD

largeer