Vì sao doanh nghiệp Việt e ngại xuất khẩu vào Nga?

Thứ hai, 20/05/2019, 10:16 AM

Nga là quốc gia truyền thống trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính vì thế, kỳ vọng giao thương đặt ra giữa 2 nước là rất lớn, song trên thực tế vẫn còn những điểm nghẽn khiến doanh nghiệp Việt e ngại đưa hàng vào Nga.

Phương thức vận chuyển hàng hóa còn nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp Việt

Phương thức vận chuyển hàng hóa còn nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp Việt "ngại" xuất khẩu sang Nga. (Ảnh: Minh họa).

Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp Việt “e ngại”

Theo ông Dmirtriy Makarov, Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam, tổng xuất khẩu của nước Nga vào Việt Nam vẫn tăng nhanh (29%), trong khi ở chiều ngược lại sự tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Nga từ 35% vào năm 2017 xuống còn 9% vào năm 2018, nhất là đối với các mặt hàng dệt may, da giày...

 Hiện nay hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa bản địa hoặc hàng mang thương hiệu Nga sản xuất ở nước ngoài. Cụ thể, hàng Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển... với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...

Một khó khăn lớn khiến doanh nghiệp Việt “ngán” đưa hàng vào Nga nữa là vấn đề thanh toán. Hiện nay hầu hết doanh nghiệp Việt xuất khẩu đi Nga đều ở quy mô vừa và nhỏ nên lượng vốn không nhiều. Trong khi đó phía đối tác tại Nga thường thanh toán chậm.

“Khó khăn nhất trong giao dịch với thị trường này là phương thức thanh toán. Thời gian thanh toán hợp đồng rất dài gây khó khăn và hao tốn chi phí, thời gian của doanh nghiệp Việt. Những doanh nghiệp nhỏ ít vốn sẽ không xoay xở kịp” - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex - đơn vị có kinh nghiệm xuất khẩu các sản phẩm cà phê, tiêu, gạo - sang Nga cho hay.

Do chính sách thắt chặt cấm vận Nga của Mỹ và châu Âu khiến hoạt động thanh toán đến nước này bị thu hẹp, thời gian thanh toán kéo dài, có giao dịch đến một tháng hoặc dài hơn. Chính vì thế, kênh thanh toán không chính thống ở Nga, nhất là thị trường tiền tệ đen hoạt động rất mạnh, nhanh chóng, thủ tục đơn giản, chi phí thấp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Bởi để sử dụng các dịch vụ, kênh thanh toán không chính thống doanh nghiệp sẽ dễ bị các đơn vị “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, các rào cản phi thuế quan như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng... mà Nga đang áp dụng đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam (gạo, rau, quả, thủy sản...) tương đối chặt chẽ; thậm chí chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, dẫn đến việc hàng hóa khó thâm nhập vào thị trường này.

Về việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Nga hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Bởi Việt Nam gần như không thể vận chuyển trực tiếp được hàng sang Nga mà phải thông qua bên thứ 3. Hiện nay vận tải hàng hóa giữa 2 bên cũng không cho chia nhỏ lô hàng, việc mua bán vận tải qua nước thứ ba hoặc mua bán trung gian qua nước thứ 3 được cho phép nhưng lại có một số hạn chế về hưởng ưu đãi quy tắc xuất xứ dù đã được cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ).

Việc đồng rúp của Nga bị “cô lập” với đồng USD khiến doanh nghiệp 2 bên khó khăn trong khâu thanh toán. (Ảnh: Minh họa).

Việc đồng rúp của Nga bị “cô lập” với đồng USD khiến doanh nghiệp 2 bên khó khăn trong khâu thanh toán. (Ảnh: Minh họa).

Vẫn còn không ít cơ hội

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga - người từng có 30 năm kinh doanh tại Nga chia sẻ, sức mua của thị trường Nga đang giảm nên doanh nghiệp Việt cần có chiến lược phù hợp hơn. Nếu vội vã đưa một lượng hàng lớn sang Nga thì khả năng thất bại sẽ cao. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có vì kinh doanh luôn có tính chu kỳ. Hiện một số doanh nghiệp Việt khác tại Nga chỉ thu hẹp một số mảng kinh doanh thiếu hiệu quả chứ không bỏ hẳn đi vì lợi nhuận ban đầu có thể thấp nhưng tương lai hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Hiện nay phía đại diện Cơ quan Thương mại Nga cũng đang ngỏ lời mời gọi Việt Nam nhập khẩu thức ăn thủy sản Artemia của Nga với giá cả hợp lý giúp giảm giá thành để hàng thủy sản “made in Việt Nam” có giá bán cạnh tranh hơn khi xuất khẩu ngược vào Nga.

Theo Bộ Công thương, các mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm gần 20% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao vào thị trường Nga.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer