Vì sao giá xăng giảm 8 lần, giá hàng hóa vẫn giữ nguyên?

Thứ ba, 05/05/2020, 09:44 AM

Hôm nay, học sinh khối 9, 12 đã bắt đầu đi học trở lại sau một kỳ nghỉ dài lạ lùng nhất lịch sử. Mọi sinh hoạt đang dần trở về mức bình thường một cách chậm rãi và dè dặt.

Giá hàng hóa, dịch vụ vẫn neo cao

Giá xăng hiện tại chỉ bằng gần một nửa so với trước thời điểm xuất hiện dịch COVID-19. Mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm sâu, nhưng giá cước dịch vụ vận tải lại “án binh bất động”. Chúng tôi liên hệ xe khách Phương Trang từ Sài Gòn về Trà Vinh thì vẫn được nhân viên báo mức giá cũ là 115.000 đồng/vé.

Đây là mức giá từ năm 2019 đến nay. Một số hãng xe đi các tỉnh khác cũng giữ nguyên giá vé, chẳng hạn xe Thanh Thủy từ Sài Gòn về Vĩnh Long là 120.000 đồng/vé, xe khách Trọng Hiếu từ Sài Gòn về Đồng Nai cũng giữ nguyên mức giá là 80.000 đồng/vé… Trái ngược với mỗi khi giá xăng tăng, không ít nhà xe ngay lập tức tăng giá hoặc thu thêm phụ phí 5 - 15% giá vé.

Hàng hóa tại chợ vẫn giữ giá không thể giảm vì nguồn cung khan hiếm

Hàng hóa tại chợ vẫn giữ giá không thể giảm vì nguồn cung khan hiếm

Các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt thủy hải sản, cũng thường tăng giá khi giá xăng tăng, nhưng hiện nay, sau 8 lần giá xăng giảm, thì giá cả hàng hóa vẫn neo mức cũ, thậm chí còn tăng giá do nguồn cung khan hiếm. Những mặt hàng như gạo, rau củ các loại tăng bình quân 1.000 đồng/kg, nhóm rau quả như dưa leo, khổ qua có giá 40.000 - 60.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 40.000 đồng/kg; cá lóc, diêu hồng, cá nục ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg… 

Tại chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, TPHCM), các loại rau sống, rau thơm, khô, hành tỏi các loại từ miền Trung chuyển vào vẫn giữ mức giá cũ. Nhiều tiểu thương giải thích, dù giá cước vận tải có giảm cũng không thể giảm thực phẩm được, vì giá cả còn phụ thuộc vào nhà vườn. 

Một số mặt hàng bánh kẹo, nhu yếu phẩm khác cũng neo giá hoặc tăng nhẹ do nhiều cơ sở sản xuất chưa hoạt động trở lại. Chị Thu Diễm - chủ cơ sở bánh kẹo Hoài Linh, chuyên phân phối sản phẩm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho biết, phần lớn cơ sở của chị nhập bánh kẹo từ miền Bắc, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.

Tuy nhiên, do cửa khẩu chưa “thông thoáng” nên nguồn bánh kẹo từ nước ngoài đang “đứt” hàng; riêng bánh kẹo nhập từ miền Bắc cũng nhỏ giọt vì vùng này vẫn chưa hết dịch, các doanh nghiệp còn đóng cửa. 

“Mặc dù hôm nay, nhiều trường đã nhập học trở lại, nhưng cơ sở không nhập đủ lượng bánh kẹo để cung ứng ra thị trường, buộc chúng tôi phải tăng giá bán. Trước đây, khi giá điện và xăng tăng, một số sản phẩm bánh kẹo của Thái Dương, Phúc Hạnh... thông báo tăng giá thêm 20.000 đồng/thùng. Hiện nay, dù xăng đã giảm nhiều lần, sản phẩm của hai doanh nghiệp này vẫn neo mức giá cũ từ trước Tết tới nay chứ không giảm” - chị Diễm nói. 

Xăng dầu giảm chưa tương xứng với thế giới

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho hay, rau, củ, quả về chợ này trong những ngày đầu tháng Năm đạt hơn 2.600 tấn, những mặt hàng về nhiều mà tiêu thụ chậm giá sẽ giảm, và ngược lại hàng ít, nhu cầu nhiều giá sẽ cao hơn. 

Lý giải về việc giá xăng dầu giảm mạnh liên tục trong nhiều kỳ điều chỉnh gần đây, nhưng giá hàng hóa, thực phẩm vẫn chưa giảm theo, đại diện các chợ đầu mối cho hay, giá xăng ít tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng. Giá cả hầu hết các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá… không chỉ chịu sự tác động duy nhất từ giá xăng dầu, mà phụ thuộc nhiều vào cung cầu, sức tiêu thụ của thị trường.

“Giá cả hàng hóa tăng hay giảm do nhiều yếu tố quyết định, riêng trong khâu vận chuyển, ngoài yếu tố xăng dầu, còn có tiền công tài xế, lương nhân viên… Thông thường, thương nhân và nhà xe đã có hợp đồng lâu dài với nhau, tình hình thị trường có biến động thì mỗi bên chịu thiệt một chút để chia sẻ cho nhau. Do đó, xăng dầu vừa giảm chưa tác động ngay để giúp giá hàng hóa giảm theo, mà cần có thời gian”, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn lý giải.

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu là yếu tố quan trọng tác động tới mặt bằng chung về giá của nhiều loại hàng hóa khác. Nhưng hiện nay, giá xăng dầu lại không hề tác động đến giá hàng hóa, vận tải và đây là một hiện tượng hiếm có. 

Theo nguyên tắc, nếu giá xăng dầu giảm, những yếu tố khác không thay đổi thì giá cước vận tải giảm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, do dịch COVID-19 làm nhu cầu vận tải giảm lớn, trong khi đó những chi phí thường xuyên và cố định, lệ phí vẫn giữ nguyên, nên giá cả vận tải không thể giảm.

Tùy mỗi ngành, mặt hàng mà giá xăng dầu chiếm bao nhiêu phần trăm cấu thành chi phí. Ví dụ như với ngành vận tải, giá xăng dầu chiếm 30 - 37% chi phí, nhưng chi phí vận tải đối với vận chuyển hàng hóa chiếm tỷ trọng không lớn lắm. Do giá cước vận tải đã không giảm thì giá hàng hóa không thể giảm. 

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện các doanh nghiệp vận tải đang phải chịu quy định chỉ được hoạt động 50% công suất, nên họ còn chịu thiệt và chưa thể giảm giá ngay tức thì.

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 8 lần, nhưng mức giảm này chưa tương xứng với sức giảm của giá dầu thô quốc tế, nếu thời gian tới, giá xăng dầu tiếp tục giảm nữa, thì chi phí vận tải có thể sẽ giảm.

Giá hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào giá xăng dầu mà phụ thuộc nhiều vào yếu tố cung cầu, những mặt hàng cung dồi dào thì có khả năng giảm, nhưng những mặt hàng có nguồn cung căng thẳng, đáp ứng không đầy đủ thị trường, thì dù xăng dầu giảm nhưng giá không thể giảm được. Kết quả chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt. 

“Cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính nên có báo cáo ra kỳ họp Quốc hội sắp tới để xem xét vấn đề giá hàng hóa. Rõ ràng một số mặt hàng có thể giảm giá hơn mức hiện nay, nhưng vì lợi dụng dịch COVID-19 làm cung cầu bị bóp méo, nhiều mặt hàng căng thẳng một cách giả tạo. Người cung cấp mặt hàng đó thấy nhu cầu lớn nên tạm thời chưa giảm giá” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề nghị. 

Quốc Thái - Thanh Hoa

Theo phunuonline.com.vn

largeer