Việt Nam cần làm gì để tránh rủi ro và tận dụng cơ hội?

Thứ hai, 27/05/2019, 15:04 PM

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế Việt Nam.

Có lợi thế về ngoại thương và đầu tư

Empty

PV: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng. Theo ông, cuộc chiến đó tác động tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Cả Mỹ và Trung Quốc đều là 2 nền kinh tế có vị trí hàng đầu trong mối quan hệ với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn. Khi 2 nền kinh tế này xung đột, Việt Nam đứng giữa và sẽ chịu không ít ảnh hưởng. Thời điểm này là giai đoạn đầu của xung đột. Mỹ mới chỉ đánh thuế 25% trên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu sau này, Mỹ áp thuế 25% với phần còn lại (khoảng 500 tỷ USD) thì tình hình sẽ tồi tệ hơn. Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.

PV: Tác động đó cụ thể là như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

- Việt Nam có lợi thế về ngoại thương và đầu tư.

Về ngoại thương, khi Mỹ đánh thuế cao vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, những hàng hóa sẽ phải tăng giá và giảm sức cạnh tranh nên hàng hóa đó có thể thiếu hụt. Mỹ cần tìm hàng hóa của quốc gia khác để thay thế, trong đó có Việt Nam. Tương tự, nếu Trung Quốc “trả đũa” Mỹ bằng thuế, Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với hàng Mỹ trên đất Trung Quốc. Tuy nhiên, tiềm năng này không lớn lắm vì hàng Việt có thể thay thế hàng Trung Quốc trên đất Mỹ nhưng không dễ thay thế hàng Mỹ trên đất Trung Quốc.

Về đầu tư, một số nhà đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc có thể bị áp thuế xuất khẩu và gánh chịu thêm “đòn trừng phạt” khác. Họ đang có xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước lân cận có chi phí rẻ hơn. Trong đó có Việt Nam.

PV: Thế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những bất lợi nào thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

- Việt Nam có những lợi thế nhưng cũng phải đối mặt với nhiều bất lợi và rủi ro. Trong cuộc chiến tranh thương mại rộng lớn như thế này, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm. Việt Nam là nước lệ thuộc rất nhiều vào ngoại thương nên bị tác động nhiều. Dù có lợi thế nhưng tính tổng lại, nói chung vẫn là không có lợi.

Uyển chuyển tỷ giá để tận dụng cơ hội

Dệt may và thủy sản là những ngành có nhiều lợi thế nhất.

Dệt may và thủy sản là những ngành có nhiều lợi thế nhất.

PV: Tỷ giá có phải là một trong những bất lợi mà Việt Nam phải đối mặt không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

- Tỷ giá là một vấn đề phải được quan tâm cẩn thận. Hiện tại, Trung Quốc đang phá giá rất mạnh đồng nhân dân tệ. Việt Nam không nên cứng nhắc ổn định với đồng USD mà có lẽ phải nương theo đồng nhân dân tệ mà phá giá. Nhân dân tệ mất giá với tiền đồng, hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam với giá rất rẻ. Không chỉ có vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng và tăng nhập siêu lên. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên uyển chuyển điều chỉnh tỷ giá biến động sao cho phù hợp với thị trường, không được cứng nhắc.

PV: Nhưng ông đã nói ở trên, Việt Nam có lợi thế về ngoại thương. Vậy chúng ta nên làm gì để tận dụng cơ hội đó?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

- Trong cuộc chiến tranh thương mại, các cơ quan chức năng nên theo dõi chặt chẽ các biến chuyển. Khi 2 quốc gia này xung đột, trả đũa lẫn nhau, Việt Nam có cơ hội ở hàng hóa có thể mạnh. Thế mạnh của hàng hóa Việt Nam là hàng hóa tiêu dùng, nông sản, dệt may, giày da, thực phẩm... Thậm chí hàng điện tử cũng có cơ hội. Vì vậy, theo tôi, doanh nghiệp các ngành này nên nâng cao chất lượng, bảo đảm sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn quốc tế để dễ dàng bước chân vào thị trường Mỹ và chinh phục khách hàng tiềm năng của đất nước này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bên cạnh rủi ro, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn mang đến cho kinh tế Việt Nam không ít cơ hội.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bên cạnh rủi ro, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn mang đến cho kinh tế Việt Nam không ít cơ hội.

PV: Còn các kênh đầu tư thì sao thưa ông? Vàng và chứng khoán hẳn là sẽ có “số phận” khác nhau?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

- Hiện tại, thị trường vàng tương đối ổn định, dù tăng nhưng tốc độ tăng rất chậm. Nhưng chúng ta cần phải biết đây mới là giai đoạn đầu của cuộc chiến nên chưa nói lên được nhiều điều. Cuộc chiến thương mại nào cũng đưa thế giới vào khủng hoảng. Cuộc chiến Mỹ - Trung cũng vậy.

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết trong vòng 6 tháng nữa, không có dấu hiệu hòa giải giữa hai quốc gia thì giá vàng sẽ tăng rất mạnh chứ không đi ngang như bây giờ. Vì vậy, đầu tư vào vàng không phải ý tưởng tồi.

Khi 2 nền kinh tế lớn của thế giới đi vào xung đột, thị trường chứng khoán thế giới sẽ rất dè dặt. Có thể nhà đầu tư sẽ đi tìm những thị trường khác thay thế cho chứng khoán. Vàng là một trong những lựa chọn được nhiều người nghĩ tới. Từ đó, chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng lớn. Theo đánh giá của tôi, thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động tiêu cực.

PV: Xin cảm ơn ông.

 Bảo Linh

Theo NTD

largeer