Việt Nam: Đại công xưởng sản xuất smartphone cho thế giới!?

Thứ tư, 04/09/2019, 09:56 AM

Google sẽ hoàn tất việc chuyển nhà máy sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay. Trước đó, Apple cũng tuyên bố sẽ chuyển các nhà máy sản xuất phụ kiện iPhone sang Việt Nam. Trong khi đó, Samsung - hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới - vẫn đang đánh giá liệu có nên mở thêm nhà máy sản xuất smartphone thứ ba tại Việt Nam sau hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên...

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Pixel sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay.

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Pixel sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay.

Tăng gấp đôi năng lực sản xuất

Bắc Ninh là nơi Samsung gầy dựng chuỗi cung ứng smartphone của hãng từ mười năm qua. Google đã bắt đầu chuyển đổi các xưởng sản xuất điện thoại Nokia trước đây ở tỉnh Bắc Ninh thành hãng sản xuất điện thoại Pixel từ mùa hè này. Tờ Nikkei Asian Review cho rằng Google sẽ dễ tiếp cận được với nguồn nhân lực có tay nghề tại đây.

Việc tăng cường sản xuất tại Việt Nam là cách Google ứng phó với chi phí lao động đang tăng cao ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại ngày càng ác liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nguồn thạo tin nói Google dự định sẽ chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng, điện thoại Pixel đến Việt Nam và loa thông minh Google Home đến Thái Lan.

Pixel chỉ là thương hiệu nhỏ trong ngành điện thoại thông minh và chưa lọt bảng top 10 toàn cầu. Thế nhưng, hãng nghiên cứu công nghệ Counterpoint cho biết đây là thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ra mắt vào tháng 4/2019, Pixel có mức giá tầm trung vẫn giành thêm được thị phần dù ngành công nghiệp smartphone toàn cầu đang suy thoái trong ba năm qua.

Năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu smartphone, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu - theo số liệu của hãng IDC. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019, hãng này đã xuất xưởng 4,1 triệu chiếc. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này nhờ điện thoại Pixel 3A có giá mềm 399 USD.

Các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Google trên thị trường smartphone đầy cạnh tranh. Gã khổng lồ về Internet đặt mục tiêu xuất xưởng 8-10 triệu smartphone trong năm 2019, hơn hai lần so với con số của năm ngoái.

Một xưởng sản xuất, lắp ráp điện thoại di động tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet).

Một xưởng sản xuất, lắp ráp điện thoại di động tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet).

“Đại bản doanh” của Samsung

Thời kỳ hoàng kim của các hãng sản xuất điện thoại ở Hàn Quốc khép lại khi Samsung ngừng hẳn hoặc giảm sản xuất trong nước. Các nhà phân tích dự báo smartphone sản xuất tại Hàn Quốc sẽ biến mất hoàn toàn trước sự cạnh tranh của smartphone Trung Quốc và khi các tập đoàn Hàn Quốc chuyển hãng xưởng ra nước ngoài do chi phí sản xuất gia tăng. Điện thoại thông minh sản xuất tại Hàn Quốc chiếm 11,4% tổng số lượng toàn cầu trong năm 2008, nhưng giảm mạnh chỉ còn 1,3% vào năm 2018.

Samsung cũng giảm sản xuất điện thoại trong nước, từ mức 60 triệu chiếc trong năm 2008 xuống còn khoảng 20 triệu chiếc trong năm vừa qua. Các nhà máy ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Brazil có tổng công suất hơn 300 triệu thiết bị mỗi năm.

Samsung bắt đầu mở cơ sở sản xuất đầu tiên tại Bắc Ninh - tỉnh có diện tích nhỏ nhất của Việt Nam - vào năm 2009 với số vốn ban đầu là 650 triệu USD. Song song với việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh. Samsung đầu tư thêm gần 7 tỷ USD để xây dựng tổ hợp sản xuất smartphone và các xưởng vệ tinh sản xuất linh phụ kiện tại Thái Nguyên vào năm 2013.

Google sẽ chuyển việc sản xuất smartphone Pixel ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế. Ảnh: Trụ sở văn phòng công ty Google tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuter).

Google sẽ chuyển việc sản xuất smartphone Pixel ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế. Ảnh: Trụ sở văn phòng công ty Google tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuter).

Samsung nói sản phẩm công nghệ cao Made-in-Vietnam từ hai nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên chiếm 50% năng lực sản xuất smartphone của Samsung, sản phẩm xuất sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó phần lớn ở Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Theo số liệu của Reuters, năm ngoái hai nhà máy xuất xưởng 173 triệu thiết bị bao gồm smartphone, máy tính bảng và đồng hồ đeo tay thông minh. Tổng giám đốc Samsung Vietnam Shim Won Hwan nói rằng: “... Con số khổng lồ này là minh chứng rõ ràng về quyết tâm của chúng tôi biến Việt Nam thành cứ địa sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới”.

Tháng 11/2018, đoàn cấp cao của tập đoàn Samsung thăm Việt Nam. Trang tin Thelec của Hàn Quốc nói rằng chuyến đi nhằm “xem xét kế hoạch mở xưởng smartphone thứ ba có công suất đến 120 triệu chiếc mỗi năm”. Trang tin này cũng nói rằng Samsung muốn thăm dò cơ hội tại Việt Nam sau khi có ý định đóng cửa hai nhà máy tại Thiên Tân và Huệ Châu ở Trung Quốc có tổng công suất 100 triệu điện thoại mỗi năm.

Vị trí “đại bản doanh” sản xuất smartphone Samsung của Việt Nam cũng bị nhiều nước dòm ngó, trong đó có Triều Tiên. Họ cũng bày tỏ khát khao trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của thế giới. You Seung-min, chiến lược gia trưởng của Samsung Securities, dự báo Triều Tiên có thể đóng vai trò cơ sở sản xuất tại châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu, thậm chí có khả năng thay thế Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất điện thoại thông minh và màn hình của Samsung. “Với Samsung Electronics, Triều Tiên là ứng viên lý tưởng để xây dựng dây chuyền sản xuất bởi họ có lao động giá rẻ, cùng múi giờ và không có rào cản ngôn ngữ” - You Seung-min nói.

 

Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. (Ảnh: SEVT).

Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. (Ảnh: SEVT).

Di dời xưởng smartphone sang Việt Nam

Tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng đã sớm dời xưởng smartphone ở Hàn Quốc sang nhà máy được đầu tư 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng.

Để tránh né thiệt hại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Apple hiện đang lên kế hoạch chuyển dần các hãng xưởng lắp ráp tại Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Hiện có khoảng 50 sản phẩm linh kiện và phụ kiện của Apple đang chịu ảnh hưởng của các thuế suất Hoa Kỳ đánh lên hàng nhập từ Trung Quốc. Goertek, một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple, sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam, có thể cuối năm nay. Hiện Goertek đang có hai nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

Các hãng sản xuất AirPods tương tự như Goertek là Inventec và Luxshare-ICT cùng các nhà lắp ráp iPhone (Foxconn, Pegatron, Wistron) và nhà sản xuất Macbook (Quanta Computer) cũng có kế hoạch tương tự là dời hãng xưởng sang Việt Nam hay một quốc gia khác. Các hãng smartphone nhỏ của Trung Quốc cũng có ý định như vậy.

“Các hãng công nghệ đang di chuyển hoặc tăng cường sản xuất ở Việt Nam để tránh thuế quan, vì quốc gia này gần Trung Quốc nên có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các quốc gia khác” - Karen Ma, một chuyên gia phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Công nghiệp của Đài Loan nhận xét - “Tuy nhiên điều này cũng có thể khiến Việt Nam tăng trưởng quá nóng và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cũng như tăng chi phí sản xuất”.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer