Việt Nam: Thị trường tỷ USD của bông Mỹ

Thứ hai, 22/07/2019, 09:51 AM

Du nhập vào Việt Nam từ sớm với cái tên “cotton”, bông Mỹ đang dần trở thành xu thế sản xuất, nguyên vật liệu hàng đầu tạo cảm hứng cho các nhãn hàng thời trang tại thị trường Việt, với những thương hiệu nổi tiếng như Ninomaxx, Canifa, John Henry…

cotton-1

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông Mỹ với thị phần nhập khẩu luôn đạt trên 400 ngàn tấn mỗi năm (khoảng 50%), giá trị nhập khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết, trong 3 tỷ USD nguyên liệu bông nhập khẩu của Việt Nam có khoảng 50% là từ Mỹ. Hiện nay Việt Nam có nhiều lựa chọn nguyên liệu bông từ các thị trường Tây Phi, Algeria nhưng bông Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho doanh nghiệp Việt trong trọng tâm thương mại hóa ngành dệt may kéo sợi.

“Nhiều nước EU và người Mỹ thích sản phẩm dệt may có chỉ số cotton cao. Việc Việt Nam nhập bông Mỹ để xuất các sợi cotton có chỉ số cao từ 50-100% nên sản phẩm may mặc của Việt Nam vào Mỹ và nhiều quốc gia khác rất được người tiêu dùng đón nhận” - ông Giang cho hay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). (Ảnh: Kim Ngọc).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). (Ảnh: Kim Ngọc).

Hiện nay Mỹ là quốc gia trồng và bán bông lớn nhất thế giới nhưng không phải là thị trường dệt may lớn. Chính vì thế, Mỹ đang thương mại hóa ngành bông và dành “ưu ái” cho Việt Nam để xuất ngược lại sản phẩm dệt may vào thị trường này. Đây được cho là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong việc nắm giữ thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ.

Theo Vitas, đến năm 2022-2023 sẽ có rất nhiều nhà máy mà Mỹ, EU đầu tư về dệt nhuộm, chỉ sợi, phụ liệu ở Việt Nam. Giúp ngành dệt may đa dạng hóa nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, nhà máy sản xuất sợi len lông cừu lớn nhất thế giới đã được đầu tư ở Đà Lạt để xuất vào Ý, EU.

Theo nhiều chuyên gia, việc đẩy mạnh nhập khẩu bông Mỹ sẽ giúp loại bỏ những rủi ro đáng kể từ các nguồn cung khác như việc pha lẫn tạp chất, hóa chất vào bông, vấn nạn bông giả và nguồn cung không bền vững. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất lâu dài của các hãng dệt may Việt.

Kim Ngọc - Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer