Vốn ngoại vẫn rót vào Việt Nam giữa tâm dịch

Thứ năm, 02/04/2020, 13:38 PM

Trong khi kinh tế toàn cầu lao đao và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì thiếu dòng tiền, vẫn có một số doanh nghiệp và startup Việt đã thu hút được dòng vốn ngoại, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm mùa dịch.

Startup cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ di động eDoctor vừa chính thức công bố được rót vốn từ bốn quỹ đầu tư lớn là CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc).

Nafoods với sản phẩm trái cây sấy dẻo chủ lực được rót 5 triệu đô la đầu tư trong bối cảnh kinh tế trì trệ do dịch bệnh. Ảnh minh hoạ: Nafoods

Nafoods với sản phẩm trái cây sấy dẻo chủ lực được rót 5 triệu đô la đầu tư trong bối cảnh kinh tế trì trệ do dịch bệnh. Ảnh minh hoạ: Nafoods

Tổng giá trị đầu tư ước đoán là hơn 1 triệu đô la Mỹ, bao gồm cả số vốn được eDoctor kêu gọi thành công qua chương trình Shark Tank Việt Nam vào tháng 9-2019, với giá trị khoảng 500.000 đô la. Đây là khoản đầu tư eDoctor kêu gọi thành công từ Shark Dzung Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan – qua chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 (9-2019).

TS. Huỳnh Phước Thọ, đồng sáng lập, Phó tổng giám đốc eDoctor, cho biết sẽ dùng khoản đầu tư mới này để tiếp tục xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe từ xa và đưa dịch vụ y tế đến tận nhà người dùng thông qua ứng dụng di động.

Bất chấp dòng vốn vào Việt Nam đang dần chậm lại, việc eDoctor nhận được khoản đầu tư lớn vào mùa giữa mùa dịch Covid-19 này là một tin vui cho eDoctor nói riêng và các startup Việt Nam nói chung.

Còn trước đó vào cuối tháng 3, Công ty Cổ phần Nafoods Group (HoSE: NAF) cho biết sẽ nhận đầu tư 5 triệu đô la từ Quỹ Finnfund để đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng tại nhà máy đặt ở tỉnh Long An.

Theo Nafoods, đây là thỏa thuận hợp tác tài chính dưới hình thức khoản vay dài hạn có tài sản đảm bảo trị giá 5 triệu đô la do Finnfund cung cấp cho Nafoods trong vòng sáu năm.

Nafoods với sản phẩm trái cây sấy dẻo chủ lực được rót 5 triệu đô la đầu tư trong bối cảnh kinh tế trì trệ do dịch bệnh. Ảnh minh hoạ: NafoodsNafoods sẽ sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng tại nhà máy đặt ở tỉnh Long An, cụ thể với công suất 150 tấn/tháng cho các sản phẩm trái cây sấy dẻo có đường và không đường; và khoảng 150 tấn/tháng cho các sản phẩm điều tự nhiên và bơ điều. Nafoods dự định triển khai dự án trong hai giai đoạn vào tháng 5/2020, và giai đoạn 2 vào cuối năm 2020.

Theo ông Ryan Galloway, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Nafoods, hợp tác với đối tác chiến lược lâu dài như Finnfund là tiền đề cho những phát triển sắp tới của Nafoods.

“Việc ký kết hợp tác cũng chứng minh được khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cũng như tiềm năng phát triển của chúng tôi. Sau các quá trình thẩm định kỹ càng, chuyên nghiệp của Finnfind trong việc lựa chọn đối tác đầu tư, nguồn vốn Finnfund vào Nafoods nhằm mục đích hỗ trợ tập đoàn hoàn thành mục tiêu sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, và sản phẩm giá trị gia tăng; cung cấp đến những thị trường phát triển khó tính trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi rất hào hứng để cùng đồng hành với Finnfund trong dự án này.”

Ông Markus Pentikainen, Giám đốc Đầu tư của Finnfund, cho biết hợp tác tài chính với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững như Nafoods là trọng tâm chính trong chiến lược toàn cầu của Finnfund.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 8,6 tỉ đô la, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỉ đô la, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỉ đô la, giảm 18%.

2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ đô la, giảm 65,6%, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỉ đô la, và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ đô la. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quí 1 năm nay ước tính đạt 3,9 tỉ đô la, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trang Nguyễn

Theo TBKTSG

largeer