Xe dù, bến cóc đâu có khó dẹp!

Thứ tư, 18/12/2019, 10:32 AM

Xóa xe dù, bến cóc, xe trá hình không khó nếu TP HCM cương quyết quy các bên thành một mối để không còn chuyện đùn đẩy trách nhiệm

Theo quy định tại Nghị định 86, Thông tư 63, Thông tư 60 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải: Loại hình xe "tuyến cố định" về bản chất là các xe hoạt động vận chuyển phục vụ hành khách ở các bến xe, lấy và trả khách ở trong các bến cụ thể, xe được cấp "phù hiệu tuyến cố định", ngoài thành xe phải ghi rõ tên bến xe đi và đến.

3 "tật xấu" cần trị

Khác với tuyến cố định, loại hình "xe khách hợp đồng" là vận chuyển không lấy và trả khách ở các bến xe mà theo yêu cầu cụ thể từng chuyến khác nhau của các đối tượng hành khách khác nhau. Nói chung là cao cấp hơn xe "tuyến cố định" vì chủ thuê cả chuyến xe và khi hoạt động, xe được cấp "phù hiệu hợp đồng". Trước khi hoạt động, doanh nghiệp (DN), HTX vận tải phải báo cáo về Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các nội dung như: Hợp đồng phải ký bằng văn bản; phải có danh sách khách đi xe với họ và tên cũng như năm sinh; điểm xuất phát cũng như điểm đến, hành trình xe chạy cũng phải ghi rõ trong hợp đồng; tất cả xe chạy hợp đồng đều phải gắn GPS…

Như vậy, loại xe hợp đồng hiện nay đã được quy định quản lý quá chặt chẽ, tôi nghĩ về lý thuyết không thể nào có thể sử dụng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định được. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tệ trạng xe dù bến cóc, xe chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng hoạt động hằng ngày trên địa bàn TP HCM như nhà xe D.Q, H.N,… hoặc xe chạy tuyến liên vận Campuchia ra vào khu vực quận 5, quận 11, khu vực Bệnh viện Ðại học Y Dược, xe 2 tầng đậu đỗ ở đường Trần Phú (quận 5)… Sở dĩ có điều đó, theo tôi là do 3 nguyên nhân.

Ðầu tiên là vì sự tham lam, hám lợi của một số chủ xe hoặc DN, HTX có xe, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để thực hiện những hành vi này. Kế đến, các bến xe liên tỉnh bố trí chưa hợp lý, xa trung tâm thành phố hoặc chưa thực hiện tốt chức năng điều hòa hoặc cung ứng tốt dịch vụ cho xe vào bến, mức phí vào bến, hoa hồng bán vé cao,… khiến nhà xe không mặn mà vào bến mà tìm cách chạy hợp đồng để giảm các loại phí. Cuối cùng, vì sự kiểm tra xử lý không nghiêm minh, sự toa rập của một bộ phận lực lượng chức năng khi thừa hành công vụ.

Bất chấp biển cấm xe khách dừng, đỗ dưới lòng đường Ðiện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới cầu Sài Gòn để đón, trả khách Ảnh: GIA MINH

Bất chấp biển cấm xe khách dừng, đỗ dưới lòng đường Ðiện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới cầu Sài Gòn để đón, trả khách Ảnh: GIA MINH

Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong nghề vận tải, tôi nghĩ muốn chấm dứt tình trạng này, chúng ta không cách nào khác là phải thành lập một đoàn công tác liên ngành dưới sự chỉ huy trực tiếp của một phó chủ tịch UBND TP HCM với các thành viên là Công an TP HCM (CSGT); Sở GTVT (Thanh tra GTVT, bến xe liên quan); UBND quận, huyện sở tại (địa điểm xảy ra xe dù, bến cóc, xe trá hình). Ðoàn công tác này phải hoạt động liên tục và thường xuyên.

Muốn hiệu quả hơn, đoàn công tác liên ngành cần kêu gọi người dân sở tại báo cáo về đường dây nóng cấp TP các điểm mới phát sinh và có nguy cơ hình thành xe dù, bến cóc. Ngoài ra, đoàn công tác liên ngành kiểm tra và xác định những tụ điểm phản ánh, nếu hợp pháp thì cho duy trì, nếu bất hợp pháp thì yêu cầu UBND sở tại xử lý và dẹp ngay, nếu còn tiếp tục tồn tại UBND sở tại phải chịu trách nhiệm. Chặt chẽ hơn nữa, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp bổ sung khác là tịch thu phù hiệu của xe vi phạm. Cụ thể, các xe lợi dụng sử dụng cùng lúc 2 giấy phù hiệu hợp đồng và tuyến cố định khi bị lập biên bản và xử lý, sẽ không được cấp 2 phù hiệu cho một xe (đã vi phạm), những đơn vị vận tải vi phạm này chỉ được cấp một phù hiệu cho 1 xe. Ngoài ra, các bến xe liên tỉnh cần rà soát lại các khoản phí, các thủ tục ra vào bến có phức tạp phiền hà, có là gánh nặng cho các xe phải vào bến. Các bến không nên vì doanh thu mà xác nhận cho các xe không lấy khách tại bến lại ghé bến xe đóng dấu hợp thức hóa xe chạy tuyến cố định. Riêng Sở GTVT cần nhanh chóng thiết lập và công bố những điểm lấy và trả khách cho các tuyến liên tỉnh cố định, tổ chức tốt loại xe trung chuyển tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi phải sử dụng xe ở bến…

Với những giải pháp đề xuất cụ thể trên, tôi nghĩ khó có thể tồn tại tệ trạng xe dù, bến cóc nói chung hoặc tệ trạng xe hợp đồng núp bóng tuyến cố định nói riêng như dư luận đã và đang phản ánh, góp phần trong việc tái lập trật tự vận tải. 

TP HCM hiện có 108 điểm có hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở các đơn vị vận tải, 6 điểm khác tổ chức tại khu vực các cây xăng, tuyến đường, bãi xe... Con số này tăng 25 điểm so với cùng kỳ năm 2018.

ThS LÊ TRUNG TÍNH

Theo nld.com.vn

largeer