Xin lỗi người móc cống

Thứ ba, 03/07/2018, 10:41 AM

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh rưng rưng xúc động trước lời kể của một công nhân vệ sinh môi trường. Anh đã phải làm việc trong một môi trường tối tăm, bẩn thỉu và nguy hiểm trong lòng cống rãnh và chính những cư dân thành phố đã góp phần gây ra nỗi cực nhọc ấy. Họ coi cống rãnh như là một hố rác và vứt tất cả mọi thứ phế thải xuống đó, từ thức ăn thừa đến kim tiêm, từ vỏ chai nhựa đến các chất xả độc hại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chung quy vẫn là vấn đề thuộc về ý thức. Người ta tự cho mình cái quyền xả rác bừa bãi và cho rằng có người phải dọn vì mình đã trả tiền cho dịch vụ này rồi. Họ có quyền than vãn về nạn đường phố ngập, về môi trường mất vệ sinh mà không cần biết đến chuyện chính mình đã góp phần gây ra chuyện đó. Cái cống ở nhà vệ sinh trong gia đình bị tắc khổ sở cho gia chủ thế nào thì cái cống chung của thành phố cũng thế, đừng ném vật cứng vào đó và chỉ có thế thôi cũng đủ để giảm đi bao nỗi cơ khổ của người móc cống.

Nhưng vì sao ý thức đơn giản đó không thiết lập và trở thành thói quen văn hóa trong dân chúng? Câu chuyện của người thợ móc cống này làm chúng ta liên tưởng đến một vụ rất đáng xấu hổ xảy ra 4 năm trước:

4 công ty dịch vụ đô thị của TP HCM lãnh đạo đều nhận lương khủng, trong đó có Giám đốc công ty thoát nước (nơi những người thợ móc cống làm việc) có mức lương 2 tỷ 6 một năm. Trong khi đó, những người lao động cực nhọc này hưởng một mức lương rất thấp, bởi tiền dồn hết cho lãnh đạo rồi còn đâu. Lãnh đạo mà như thế thì làm sao xây dựng được ý thức người dân? Có thể, từ lời xin lỗi những người công nhân vệ sinh này của bà Chủ tịch HĐND thành phố mọi sự sẽ thay đổi chăng? Đúng ra, tất cả những ai đã xả rác xuống cống phải xin lỗi và cách xin lỗi tốt nhất là đừng vứt rác bừa bãi nữa, cũng như cần lấy lại những đồng tiền từ mức “lương khủng” kia mà trả lại cho người móc cống vì họ xứng đáng được hưởng.

Một diễn biến khác xảy ra tại một xã nghèo tỉnh Thanh Hóa. Để xây dựng nông thôn mới, cán bộ nơi đây bắt dân đóng góp từ đứa trẻ 6 tháng tuổi đến cụ già 80, bình quân mỗi người gần 1 triệu đồng mỗi năm. Điều này đi ngược hoàn toàn với tiêu chí nông thôn mới, nơi mà ở đó hết nghèo, đời sống khấm khá lên chứ không phải làm người dân nghèo thêm, khốn khổ hơn và luôn phải “sống trong sợ hãi”. 

Chúng ta có những cán bộ nhận lương khủng và bắt nhân dân đóng góp quá sức mình. Sự giống nhau ở họ là không thèm quan tâm đến đời sống của người lao động, của dân mà chỉ nghĩ đến mình, hoặc làm dày thêm túi tiền hoặc chạy theo thành tích. Như vậy, nói gì đến việc nâng cao ý thức nhân dân trong đời sống cộng đồng, xã hội! 

Phaly

theo baophapluat

largeer