Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Phải chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP.HCM

Thứ ba, 24/09/2019, 10:05 AM

Tình trạng xây dựng không phép, trái pháp luật trên địa bàn TP.HCM diễn ra phổ biến, phức tạp với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Chính quyền thành phố cực kỳ quan tâm và kiên quyết giải quyết dứt điểm. Tuy vậy, nhiều điểm nóng vẫn tồn tại thách thức dư luận và cơ quan chức năng.

 Điểm nóng quận 2

Quận 2 là một trong những địa bàn nóng về tình trạng xây dựng sai phép, không phép, trái luật với những lô đất, dự án quy mô lớn được dư luận đặc biệt quan tâm suốt thời gian qua. Hồi tháng 4/2019, dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh do CTCP Phát triển kinh doanh Nhà làm chủ đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng. UBND quận 2 sau đó đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư xây dựng công trình không có giấy phép. Tuy nhiên, việc phát hiện chậm trễ công trình có quy mô rất lớn, dẫn tới xử lý khó khăn.

Một vụ việc khác đang diễn ra tại phường Bình Trưng Đông - quận 2, khu đất CTCP Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ (Công ty Lê Vũ) ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở có diện tích khoảng 2ha tại ấp Đông phường Bình Trưng Đông - quận 2 với tỷ lệ hợp tác là Công ty Ngôi sao Sài Gòn chiếm 35%, Công ty Lê Vũ chiếm 65%. Đồng thời, Công ty Ngôi sao Sài Gòn đã thay mặt Công ty Lê Vũ đền bù hai thửa đất số 916 và thửa đất số 1000 thuộc tờ bản đồ số 32 tại ấp Đông phường Bình Trưng Đông. Công ty Ngôi sao Sài Gòn được Công ty Lê Vũ giao đứng ra để ký thỏa thuận đền bù với chùa Long Vĩnh.

Tuy nhiên, sau khi nhận hết tiền đền bù, nhà chùa xin mua lại toàn bộ khu đất trên với giá 29 tỷ đồng, nhưng chỉ đặt cọc được 800 triệu đồng thì việc mua bán không thành, chùa Long Vĩnh kiện ra TAND quận 2 đòi lại quyền sử dụng đất. Vụ việc đang được TAND quận 2 thụ lý thì ngày 20/9/2017, có hai xe ủi vào khu đất phát quang, phá tường rào đốn cây và san ủi mặt bằng làm hủy hoại tài sản, phá vỡ nguyên trạng khu đất.

Hiện khu đất vẫn đang tranh chấp, TAND quận 2 ban hành Quyết định số 07/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, với hình thức “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” đối với phần đất tại vị trí thửa số 916, 1000.Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền được quyền xử lý các hành vi: Tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trên theo quy định. Nhưng chính quyền phường Bình Trưng Đông, quận 2 vẫn để xây dựng, và chưa thể giải quyết dứt điểm, trả lời cho các bên liên quan về việc thi công trái pháp luật trên khu đất tranh chấp này.

Tại hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh xảy ra hàng loạt vụ tự ý phân lô, cất nhà trên đất nông nghiệp. Tại Thủ Đức, nhiều công trình không phép xây dựng trên các khu đất đang quy hoạch, như khu vực quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung); khu đất dự trữ xây hồ điều tiết (phường Tam Phú), Hiệp Bình Chánh (ga Bình Triệu).

Nhiều dự án nhà ở có quy mô cũng vi phạm xây dựng được phát hiện chậm trễ khiến xử lý gặp khó khăn.

Nhiều dự án nhà ở có quy mô cũng vi phạm xây dựng được phát hiện chậm trễ khiến xử lý gặp khó khăn.

Lập lại trật tự trước tháng 6/2020

Chuyện xây dựng không phép, sai phép thực tế đang là vấn đề nóng tại TP.HCM, trở thành chủ đề trọng tâm trong nhiều hội nghị của Thành ủy thành phố cũng như kỳ họp lần thứ 15 của Hội đồng Nhân dân thành phố vừa qua.

Tình trạng xây dựng không phép, sai phép xảy ra nhiều ở các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Để xử lý nghiêm minh và dứt điểm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị ngay trong tháng 7/2019, các quận ủy, huyện ủy ban hành nghị quyết về “Lập lại trật tự xây dựng trên từng phường - xã trước Đại hội Đảng bộ quận, huyện năm 2020”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã ký Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM trong đó nêu rõ: Yêu cầu đến trước tháng 6/2020 phải chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép mà không bị xử lý. Cấp phường nào để xảy ra xây dựng trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Cùng đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chỉ thị 23 yêu cầu cấp ủy quận - huyện, phường - xã - thị trấn trong tháng 8/2019 cũng phải tổ chức hội nghị và có nghị quyết chuyên đề. Trên cơ sở đó, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn đảng bộ, từng chi bộ, đảng viên về việc không để xây dựng trái phép như thời gian qua. Mỗi đảng viên phải cam kết với tổ chức đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Bí thư, chủ tịch UBND quận - huyện, các phường - xã - thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020, nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này.

Riêng xử lý trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cũng cho biết, Công an thành phố cùng Sở Tư pháp đã trình dự thảo về vấn đề xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình xây dựng sai phép, không phép với quan điểm xử lý nghiêm, theo từng cấp độ. Theo đó, có thể cắt điện, nước; không cho đầu tư các dự án khác; cưỡng chế tài chính qua các tài khoản; không cho phép đi ra nước ngoài, áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Đối tượng “đầu nậu” đầu tư kinh doanh không tới nơi tới chốn, làm ăn gian dối thì cũng phải xử lý hình sự.

Với việc ban hành Chỉ thị 23 và sự quyết tâm của chính quyền thành phố, dư luận đang chờ đợi sự đột phá nhằm giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm trật tự xây dựng đang nhức nhối tại TP.HCM.

Vũ Sơn

Theo NTD

largeer