“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: 11 bộ ngành, 14 địa phương “không làm gì cả” (!?)

Thứ bảy, 17/03/2018, 09:54 AM

Thông tin đưa ra tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức ngày hôm qua, 15/3 cho biết, có 11/28 bộ, ngành và 14/63 tình, TP vẫn chưa có báo cáo…

Ảnh minh họa nguồn Internet

Ảnh minh họa nguồn Internet

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư,  Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 9 năm phát động, Cuộc vận động  đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, DN địa phương và có sức lan tỏa nhanh.

Theo đánh giá của BCĐ cuộc vận động, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ở các địa phương đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, DN tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ủy ban MTTQ các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, ngành chức năng để lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả... Đặc biệt, nhiều địa phương còn chưa chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về công tác tuyên truyền, thực hiện Kết luận 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Kết luận 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư.

Trong 28 bộ, ngành T.Ư tham gia BCĐ Cuộc vận động chỉ có 17 bộ, ngành, đoàn thể, hiệp hội có chương trình, kế hoạch, báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động về BCĐ T.Ư, còn 11 đơn vị không gửi báo cáo. Về phía các địa phương, cũng còn 14/63 tỉnh, TP chưa gửi báo cáo về BCĐ Cuộc vận động.

Đánh giá về việc này, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư cho rằng, đối với 14 tỉnh, TP không làm gì cả thì trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh kiểm tra. “14 tỉnh thành không làm gì cả thì phải chăng các tỉnh này có điều gì mà không kiểm tra được?” – ông Hùng đặt vấn đề.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cuộc vận động năm 2018., trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các dự án lớn, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án “Chương trình Quốc gia mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2017-2020”; Đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”; Tăng cường công tác quản lý của các bộ, ngành thành viên BCĐ TW Cuộc vận động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục rà  soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Vận động các DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, khu tập trung nhiều công nhân, người lao động... 

Phan Mơ

Theo Baophapluat

largeer