“Cuộc chiến” của các hãng xe công nghệ sắp bắt đầu

Thứ hai, 25/06/2018, 15:41 PM

Sự tháo chạy của Uber đã giúp Grab chiếm phần lớn thị trường vận tải công nghệ Việt Nam, từ đó đã có nhiều bất cập xảy ra liên quan đến chế độ, chiết khấu cho tài xế (đối tác của Grab) và các chế độ hậu mãi cho người sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, trước sự xâm nhập của hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ mới như: Aber, Go-Jek, FastGo… với nhiều tính năng vượt trội, kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các hãng vận tải công nghệ, góp phần tạo lợi ích cho người dùng.

40

Thị trường “lũng đoạn” vì sự…độc chiếm của Grab?!

Tháng 4/2018, Grab chính thức phát đi thông báo thâu tóm thị phần Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các tài xế - đối tác của Uber nghiễm nhiên được chuyển đổi trở thành đối tác của Grab và khai thác khách hàng trên ứng dụng Grab tại thị trường Việt Nam. Tưởng rằng, đây là cơ hội hiếm có để các hãng xe công nghệ khác cả trong và ngoài nước bước vào cuộc chơi giành lại thị trường.

Tuy vậy, khi các hãng xe công nghệ khác còn chưa kịp ra đời thì “ông trùm” Grab đã một mình độc chiếm thị trường và ít nhất đã tạo ra sự lũng đoạn bước đầu trên thị trường xe công nghệ tại TP.HCM. Điều này, cũng đã được giới chuyên gia vận tải nhận định từ trước, khi cho rằng gần như không có hãng vận tải công nghệ trong nước nào đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với ông lớn đến từ Malaysia này.

Có thể thấy, hệ lụy từ việc Grab lũng đoạn thị trường vận tải công nghệ trên thực tế đã diễn ra từ khi có thông tin Uber bị thâu tóm bởi Grab và ngày càng lộ rõ khi Grab chính thức độc chiếm thị trường. Tuy vậy, trong tháng 6 vừa qua, một loạt hãng vận tải công nghệ đã chính thức chào sân tại thị trường Việt Nam như: Aber, Go-Jek, FastGo… Liệu, những hãng xe này có đủ sức cạnh tranh, tái lập trật tự cho thị trường vận tải công nghệ?

Tháng 6 này, Grab sẽ chào đón một đối thủ nặng ký không thua kém gì Uber là Go-Jek một ứng dụng gọi xe đến từ Indonesia. Hãng này đã được đầu tư 500 triệu USD vào 4 nước Đông Nam Á gồm: Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam. Hãng này tự tin là một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua tranh giành thị phần với Grab.

Gay cấn cuộc chiến tranh giành thị phần

Ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek cho rằng, vụ sáp nhập Uber - Grab khiến người dân và tài xế ở các nước mong chờ Go-Jek gia nhập thị trường, để họ có thêm một lựa chọn. Và, nhờ cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn. Mọi doanh nghiệp phải ganh đua để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Go-Jek đã sẵn sàng vì điều đó. Nhiều chuyên gia dự đoán, có thể nói Go-Jek vào Việt Nam sẽ mang đến nhiều lợi ích cho cả tài xế và khách hàng. Tại Việt Nam, Go-Jek chọn Go-Viet là công ty đầu tư công nghệ và chuyên môn.

Go-Viet đang tuyển dụng các tài xế Uber cũ tại Việt Nam với ưu đãi đặc biệt dành riêng. Chẳng hạn, sau khi ra mắt, hãng sẽ miễn phí đồng phục cho tài xế và có thể trợ giá chuyến đi tối thiểu cho đối tác (dự kiến 29.000 đồng/chuyến). Ứng dụng sẽ ra mắt dịch vụ gọi xe ôm 2 bánh trước rồi đến dịch vụ 4 bánh và các dịch vụ khác.

Bên cạnh tiếng tăm của Go-Jek, ngày 8/6 vừa qua ứng dụng gọi xe ABER cũng đã tổ chức lễ ra mắt, đây là một ứng dụng do một nhóm kỹ sư công nghệ người Việt tại châu Á ấp ủ từ năm 2015. Được biết, ABER sẽ cung cấp dịch vụ với nền tảng hỗ trợ đa dạng các loại phương tiện: Xe hai bánh chở khách, xe hai bánh giao hàng, xe cho thuê…Trong đó có hỗ trợ tuyến xe đường dài, xe cho thuê, xe tải. Nhìn chung có thể thấy hình thức hoạt động của ABER có nhiều điểm tương đồng với hai ứng dụng gọi xe trong nước là VATO và Xelo đã ra mắt trước đó. Hiện nay ABER đã bắt đầu tuyển dụng tài xế và hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đi vào hoạt động.

Phát biểu tại buổi ra mắt ứng dụng vừa qua, ông Huỳnh Lê Phú Phong, thành viên sáng lập ABER cho hay nhu cầu về mảng gọi xe công nghệ hiện nay tại Việt Nam còn rất cao. Ông đánh giá, dịch vụ này vẫn chưa đến đỉnh điểm phát triển, trong khi đó, một số công ty vừa rời khỏi thị trường nên đây là cơ hội vàng để ABER xâm nhập. “Chúng tôi không áp dụng mức chiết khấu cho từng cuốc xe tài xế thực hiện. Thay vào đó, Aber sẽ tính phí quản lý ứng dụng cố định tùy vào tổng thu nhập hàng tháng của tài xế. Mức phí này không tính trực tiếp vào mỗi chuyến xe mà được trừ sau mỗi tháng” - ông Phong phát biểu tại buổi ra mắt ứng dụng ABER.

Một ứng dụng khác cũng đã chính thức ra mắt vào ngày 12/6 vừa qua là FastGo - ứng dụng gọi xe của Công ty FastGo Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn NextTech). Ứng dụng này có những ưu đãi được tài xế và khách hàng rất quan tâm, điểm nổi bật trong những phúc lợi đối với tài xế là FastGo không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ % mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Không chỉ đem lại cho tài xế cơ hội việc làm, FastGo đồng thời mang đến những chương trình phúc lợi và hoạt động hỗ trợ để tài xế có thể trải nghiệm một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện và an tâm trong cuộc sống.

Đối với cả khách hàng và tài xế, FastGo còn cung cấp gói bảo hiểm Fast Protection với nhiều lợi ích (giá trị lên đến 200 triệu đồng) để tài xế và khách hàng yên tâm trên mọi hành trình cùng với lái xe FastGo. Đây là điều mà nhiều ứng dụng khác chưa có và chưa làm được.

“Chúng tôi tin rằng, với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam” - ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty FastGo Việt Nam cho biết.

Có thể kể thêm các ứng dụng gọi xe trong nước cũng đang trong cuộc chiến này như: VATO, T.Net, Xelo, Mai Linh, Didi… Và có thể nói trên đường đua này càng ngày càng có thêm nhiều đối thủ mới và dần phá được thế độc quyền của Grab.

Việc tăng chiết khấu đã khiến các tài xế lo lắng. Rất nhiều người đã phải bỏ ra một món tiền lớn, thậm chí chật vật vay mượn để tham gia làm tài xế vận tải công nghệ với ước mơ đổi đời. Thế nhưng, việc tăng chiết khấu lên cao như một ly nước hất vào chén cơm của giới tài xế vận tải công nghệ, mà cụ thể là Grab. Cộng thêm việc ngày càng ít khách hàng, thu nhập của các tài xế công nghệ sụt giảm nghiêm trọng. Không bảo đảm được cuộc sống, nhiều người đã phải bán nhà, bán xe và tìm một công việc khác để trang trải.

Vậy nên, sự xuất hiện của các hãng xe công nghệ mới như FastGo, ABER, Gojek có thể xem là chiếc phao cứu sinh cho cánh tài xế. Ít nhất, sự cạnh tranh sẽ tạo nên những thuận lợi mới, cân bằng lại thị trường khi các hãng vận tải công nghệ đều muốn thu hút đối tác. Lúc đó, giới tài xế công nghệ sẽ không phải lo lắng nhiều nữa.

 Liên Nguyễn

Theo NTD
Từ khóa:

xe công nghệ

uber

Grab

largeer